Lịch sử Bắc_Bình

Vùng đất huyện Bắc Bình ngày nay nguyên trước đây là hai huyện Hòa Đa và Phan Lý Chàm thuộc tỉnh Bình Thuận.

Năm 1955, chính quyền Việt Nam Cộng hòa thành lập các quận Hòa Đa, Phan Lý Chàm, Hải Ninh và Tuy Phong thuộc tỉnh Bình Thuận. Trong đó, vùng đất huyện Bắc Bình ngày nay tương ứng với các quận Hòa Đa, Phan Lý Chàm và Hải Ninh:

Về phía chính quyền cách mạng, tháng 4 năm 1951, Tỉnh ủy Bình Thuận sáp nhập 3 huyện Hòa Đa, Phan Lý Chàm, Tuy Phong thành huyện Bắc Bình. Tháng 11 năm 1951, lại tách vùng Phan Lý Chàm ra để lập lại huyện Phan Lý riêng. Huyện Bắc Bình còn lại gồm các xã của Hòa Đa và Tuy Phong cũ.

Đầu năm 1962, Tỉnh uỷ Bình Thuận quyết định giải thể 2 huyện Bắc Bình và Phan Lý để thành lập huyện Lê Hồng Phong và Ban Cán sự Bắc Sơn.

Giữa năm 1966, lại quyết định giải thể huyện Lê Hồng Phong và Bắc Sơn, lập lại các huyện Hòa Đa, Phan Lý, Tuy Phong, Thuận Phong theo ranh giới cũ.

Tháng 4 năm 1967, Khu 6 quyết định thành lập tỉnh Bắc Bình gồm 3 huyện Hòa Đa, Phan Lý, Tuy Phong và K67 (cắt từ tỉnh Tuyên Đức). Tháng 8 năm 1968, Khu 6 lại quyết định giải thể tỉnh Bắc Bình. Ba huyện Hòa Đa, Phan Lý, Tuy Phong lại thuộc tỉnh Bình Thuận. K67 được trả về lại tỉnh Tuyên Đức.

Đầu năm 1974, Tỉnh uỷ Bình Thuận quyết định tách các xã căn cứ của 2 huyện Hòa Đa và Thuận Phong để tái lập lại huyện căn cứ Lê Hồng Phong. Tuy nhiên đến tháng 12 năm 1974, lại quyết định giải thể huyện Lê Hồng Phong. Đồng thời lập huyện Hải Ninh (tách ra từ huyện Phan Lý) trực thuộc tỉnh.

Sau năm 1975, 3 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy hợp nhất thành tỉnh Thuận Hải. Đồng thời, 4 huyện Hòa Đa, Phan Lý, Hải Ninh và Tuy Phong hợp nhất thành huyện Bắc Bình thuộc tỉnh Thuận Hải, gồm 25 xã: Bình Thạnh, Chí Công, Chợ Lầu, Hải Ninh, Hòa Minh, Hòa Phú, Hòa Thắng, Hồng Thái, Lạc Tri, Liên Hương, Lương Sơn, Phan Điền, Phan Dũng, Phan Hiệp, Phan Hòa, Phan Lâm, Phan Rí Cửa, Phan Rí Thành, Phan Sơn, Phan Thanh, Phong Phú, Phú Tuy, Phước Thể, Sông Lũy, Vĩnh Hảo.

Ngày 13 tháng 3 năm 1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 104-CP.[1] Theo đó:

  • Tách thôn Nghĩa Thuận, thôn Bàu Ốc của xã Lương Sơn và khu kinh tế mới Lương Nhơn của xã Hồng Thái lập thành một xã mới lấy tên là xã Bình Tân
  • Hợp nhất xã Phú Tuy và xã Lạc Tri thành một xã lấy tên là xã Phú Lạc
  • Sáp nhập thôn Tiến Thắng và thôn Tiến Lộc của xã Phan Tiến vào xã Sông Lũy
  • Chuyển xã Phan Rí Cửa thành thị trấn lấy tên là thị trấn Phan Rí Cửa.

Cuối năm 1981, huyện Bắc Bình có 1 thị trấn Phan Rí Cửa và 24 xã: Bình Tân, Bình Thạnh, Chí Công, Chợ Lầu, Hải Ninh, Hòa Minh, Hòa Phú, Hòa Thắng, Hồng Thái, Liên Hương, Lương Sơn, Phan Điền, Phan Dũng, Phan Hiệp, Phan Hòa, Phan Lâm, Phan Rí Thành, Phan Sơn, Phan Thanh, Phong Phú, Phú Lạc, Phước Thể, Sông Lũy, Vĩnh Hảo.

Ngày 30 tháng 12 năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 204-HĐBT.[2] Theo đó:

  • Tách 10 xã Hòa Phú, Hòa Minh, Chí Công, Bình Thạnh, Liên Hương, Phước Thể, Phú Lạc, Vĩnh Hảo, Phan Dũng, Phong Phú và thị trấn Phan Rí Cửa để thành lập huyện Tuy Phong
  • Đồng thời sáp nhập xã Hồng Phong của huyện Hàm Thuận (nay là 2 huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam) vào huyện Bắc Bình, huyện Bắc Bình gồm có 15 xã: Bình Tân, Chợ Lầu, Hải Ninh, Hòa Thắng, Hồng Phong, Hồng Thái, Lương Sơn, Phan Điền, Phan Hiệp, Phan Hòa, Phan Lâm, Phan Rí Thành, Phan Sơn, Phan Thanh, Sông Lũy.

Ngày 20 tháng 6 năm 1986, chia xã Hải Ninh thành 2 xã lấy tên là xã Hải Ninh và xã Bình An.

Ngày 26 tháng 12 năm 1991, tỉnh Bình Thuận được tái lập từ tỉnh Thuận Hải cũ, huyện Bắc Bình thuộc tỉnh Bình Thuận.

Năm 1992, chuyển xã Chợ Lầu thành thị trấn Chợ Lầu - thị trấn huyện lỵ huyện Bắc Bình.

Năm 1994, thành lập xã Phan Tiến trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích và dân số của xã Sông Lũy.

Ngày 18 tháng 7 năm 2003, thành lập xã Sông Bình trên cơ sở 5.665,29 ha diện tích tự nhiên và 3.132 nhân khẩu của xã Sông Lũy và 803,99 ha diện tích tự nhiên của xã Lương Sơn.

Ngày 3 tháng 12 năm 2007, chuyển xã Lương Sơn thành thị trấn Lương Sơn.